Hà Nội 'vỡ' tiến độ cải tạo chung cư cũ

16/04/2024 20:22 GMT+7

Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh, việc cải tạo chung cư cũ là vô cùng cấp thiết. Các cấp, các ngành cần loại bỏ những vấn đề 'tự mình cản chân mình' khi cải tạo chung cư cũ.

Ngày 16.4, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã đi kiểm tra tình hình triển khai Đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn.

Bí thư Thành ủy Hà Nội cùng lãnh đạo thành phố đi kiểm tra tình hình triển khai Đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn

Bí thư Thành ủy Hà Nội cùng lãnh đạo thành phố đi kiểm tra tình hình triển khai Đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn

KHẮC HIẾU

Theo Giám đốc Sở Xây dựng Võ Nguyên Phong, đến nay, các quận đã di dời gần như toàn bộ các hộ dân ra khỏi 6 tòa chung cư nguy hiểm trên địa bàn. Tuy nhiên, chưa đơn vị nào hoàn thành lập quy hoạch chung cư cũ.

Ông Phong cho biết, quá trình cải tạo chung cư cũ trên địa bàn không đạt tiến độ đề ra do vướng mắc về quy hoạch. Cụ thể, nhiều vị trí nhà chung cư cũ quy hoạch xác định là khu cây xanh, công viên; chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc thấp 1 - 5 tầng, dân số hiện trạng cao hơn dân số quy hoạch.

"Do bị hạn chế bởi số tầng cao công trình, dân số theo quy hoạch nên rất khó đảm bảo hiệu quả đầu tư, không hấp dẫn các nhà đầu tư", ông Phong nói.

Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Xuân Lưu thông tin, từ năm 2022, thành phố đã cấp ngân sách cho các quận, huyện để kiểm định, quy hoạch chung cư cũ. Do vậy, tiến độ kiểm định chất lượng đã được đẩy mạnh.

Ngoài ra, cơ quan chuyên môn của thành phố đang xây dựng tiêu chí để lựa chọn nhà đầu tư xây dựng chung cư cũ. Nếu làm xong quy hoạch và được sự đồng thuận của nhân dân, dự án sẽ được triển khai ngay.

Sau khi nghe các ý kiến, Bí thư Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, khi có đề án cải tạo chung cư cũ, nhiều việc đã được triển khai tương đối tích cực, nhưng vẫn rất chậm so với tiến độ.

Theo ông Dũng, yêu cầu cải tạo chung cư cũ là vô cùng cấp thiết. Tuy nhiên, nếu "dàn hàng ngang" ra làm thì không đủ nguồn lực nên phải chọn trọng tâm, trọng điểm để làm.

Ông Dũng cho biết thêm, trong quá trình thực hiện đề án, nhiều khó khăn, vướng mắc liên quan đến quy định của pháp luật đã được thành phố kiến nghị và được cấp có thẩm quyền tháo gỡ.

Theo đó, luật Nhà ở sửa đổi cũng đã tiếp thu một số nội dung tạo hành lang pháp lý thuận lợi hơn cho việc cải tạo chung cư cũ. Thành phố cũng có nhiều nội dung kiến nghị trong luật Thủ đô sửa đổi để có cơ chế phù hợp giải quyết cải tạo chung cư cũ.

Bí thư Thành ủy Hà Nội đề nghị chọn Q.Ba Đình để tạo bước đột phá trong vấn đề cải tạo chung cư cũ trên địa bàn thành phố. Việc cần làm là lên kế hoạch cụ thể về tiến độ của từng công việc, đặt mục tiêu cuối năm nay nhà đầu tư khởi công được dự án.

Đặc biệt, theo ông Dũng, các cấp ngành cần loại bỏ những vấn đề "tự mình cản chân mình" khi cải tạo chung cư cũ. Việc lập quy hoạch xây dựng chung cư cũ cần nhìn tổng thể để đảm bảo có những diện tích làm trường học, công viên, tăng diện tích cây xanh phục vụ đời sống người dân.

"Vỡ" tiến độ cải tạo chung cư cũ

Đến năm 2020, Hà Nội có khoảng 1.579 chung cư cũ, gồm khoảng 1.273 nhà thuộc 76 khu chung cư và khoảng 306 chung cư cũ độc lập, chủ yếu được xây dựng trước 1954 và từ năm 1960 - 1994.

Từ năm 2005, Hà Nội bắt đầu cải tạo các khu chung cư cũ. Tuy nhiên, do một số bất cập và sự thay đổi chính sách nên đến nay mới có 19 dự án hoàn thành, đưa vào sử dụng (chiếm 1,2% tổng số nhà ở chung cư cũ) và 14 dự án đang triển khai.

Giai đoạn năm 2021 - 2025, Hà Nội lên kế hoạch cải tạo 10 khu chung cư cũ, bao gồm 4 khu nhà cấp D - cấp độ nguy hiểm, nguy cơ sụp đổ, phải di dời khẩn cấp người dân, gồm: Giảng Võ, Thành Công, Ngọc Khánh, nhà của Bộ Tư pháp; 6 khu có tính khả thi để cải tạo là Kim Liên, Trung Tự, Khương Thượng, Thanh Xuân Bắc, Thanh Xuân Nam, Nghĩa Tân.

Hiện đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn TP.Hà Nội bị "vỡ" tiến độ vì chưa có bất kỳ khu tập thể cũ nào được phê duyệt quy hoạch chi tiết.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.