'Tăng lương hả - tăng bao nhiêu, giá cả bên ngoài tăng gấp nhiều lần rồi'

Phúc Kha
Phúc Kha
16/04/2024 16:52 GMT+7

Tình hình kinh tế khó khăn, việc làm bấp bênh, giá cả tăng cao trong khi mức lương tối thiểu vùng trong 2 năm qua “đóng băng”, người lao động đã khó lại càng khó hơn. Vì vậy, khi nghe tin đề xuất tăng lương, ai cũng chờ mong, phấn khởi.

Theo thông tin đăng tải trên Báo Thanh Niên ngày 15.4, Bộ Nội vụ thống nhất với Bộ LĐ-TB-XH thời điểm tăng lương tối thiểu năm 2024 vào ngày 1.7, trùng với thời điểm cải cách tiền lương khu vực nhà nước. Bộ LĐ-TB-XH đang lấy ý kiến các bộ, ngành để hoàn thiện Dự thảo Nghị định của Chính phủ về việc điều chỉnh mức tăng lương tối thiểu vùng 2024. Thông tin này nhanh chóng trở thành đề tài được nhiều người lao động quan tâm. Dù số tiền lương tăng thêm không nhiều nhưng với người lao động đây là nguồn động lực lớn để phấn đấu làm việc.

Chị Nguyễn Thị Yến Trinh (30 tuổi), đang làm việc tại Công ty cổ phần Learth Việt Nam (Khu chế xuất Tân Thuận, Q.7, TP.HCM, bày tỏ: “Tăng lương hả - tăng bao nhiêu, giá cả bên ngoài tăng gấp nhiều lần rồi. Đã hơn 2 năm nay, lương tối thiểu vùng chưa tăng, tôi mong chờ từng ngày. Với công nhân chúng tôi, tiền lương tăng một đồng cũng là đáng quý. Tôi sợ lương tăng một, giá cả có khi tăng gấp đôi, gấp ba. Tôi hy vọng giá cả được bình ổn để đời sống những người công nhân như tôi bớt khổ”.

Bùi Thị Trang Thư (24 tuổi), đang làm việc cho một cơ quan Nhà nước trên đường Điện Biên Phủ, Q.3, chia sẻ: “Mình nghĩ rằng việc tăng lương không chỉ cải thiện đáng kể cuộc sống mà còn tạo động lực gắn bó với công việc. Công sức bỏ ra được đền đáp xứng đáng thì mình sẽ hứng khởi, vui vẻ làm việc hơn. Khi công việc gặp khó khăn hoặc cơ quan gặp trục trặc cũng sẽ có tinh thần gắn bó, cùng nhau vượt qua. Mình cũng hy vọng là chỉ mỗi lương tăng chứ đừng kéo theo các chi phí sinh hoạt, giá điện nước tăng, nếu như vậy thì thật là đâu cũng vào đấy, chẳng có gì khác biệt hết”.

Việc tăng lương không chỉ giúp người lao động cải thiện đời sống mà còn tiếp động lực để họ an tâm làm việc

Việc tăng lương không chỉ giúp người lao động cải thiện đời sống mà còn tiếp động lực để họ an tâm làm việc

PHÚC KHA

Dương Quang Sung (23 tuổi), đang làm việc tại một cơ quan Nhà nước ở Q.Tân Bình, TP.HCM, nói: “Trên thực tế thì lương tối thiểu vùng 1 nếu tăng thêm 280.000 đồng/tháng không phải là nhiều, nhưng là nguồn động viên để người lao động cố gắng trong giai đoạn khó khăn hiện nay. Nếu mỗi tháng có thêm tiền vẫn hơn là không tăng đồng nào. Tôi mong rằng, đợt cải cách tiền lương sắp tới, mức lương của tôi sẽ tăng lên đáng kể để đảm bảo được đời sống”.

Bộ Nội vụ thống nhất với Bộ LĐ-TB-XH tăng lương tối thiểu từ 1.7

PGS.TS Nguyễn Đức Lộc, Viện trưởng Viện nghiên cứu Đời sống xã hội, cho biết: “Lương cơ bản theo vùng tương đối thấp. Việc tăng lương chắc chắn mang nhiều lợi ích cho người lao động, họ có thêm tiền trang trải cuộc sống. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng cần đặt mối tương quan về quản lý kinh tế kinh tế vĩ mô trong điều tiết giá cả để cho việc tăng lương trở nên hữu hiệu hơn. Hiện nay, lương chưa tăng nhưng chi phí sinh hoạt đã khá cao so với mặt bằng chung. Tôi lo rằng tăng lương kéo theo tăng giá. Nếu không có những điều tiết về thị trường phù hợp về mặt giá cả, việc tăng lương nằm ở mức bão hòa”.

'Tăng lương hả - tăng bao nhiêu, giá cả bên ngoài tăng gấp nhiều lần rồi'- Ảnh 2.

Người lao động mong muốn lương tăng nhưng giá cả sinh hoạt không tăng theo

PHÚC KHA

Theo PGS.TS Nguyễn Đức Lộc, về phía doanh nghiệp, khi lương tăng sẽ tác động đến tổng quỹ lương dành cho người lao động. Nếu mức lương ảnh hưởng đến quỹ lương thì doanh nghiệp có khuynh hướng sẽ áp dụng tự động hóa vào trong công việc, cắt giảm lao động để giải quyết sức ép về tiền lương. Trong bối cảnh tình hình kinh tế hiện nay, tăng lương là bài toán khó cho doanh nghiệp khi việc sản xuất, kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn. Việc tăng lương phải cân nhắc các mối tương quan giữa doanh nghiệp và người lao động.

Mức lương tối thiểu vùng được Bộ LĐ-TB-XH đề xuất như sau:

Vùng I tăng từ 4,68 triệu đồng/tháng lên 4,96 triệu đồng/tháng (tăng 280.000 đồng).

Vùng II tăng từ 4,16 triệu đồng/tháng lên 4,41 triệu đồng/tháng (tăng 250.000 đồng).

Vùng III tăng từ 3,64 triệu đồng/tháng lên 3,86 triệu đồng/tháng (tăng 220.000 đồng).

Vùng IV tăng từ 3,25 triệu đồng/tháng lên 3,45 triệu đồng/tháng (tăng 200.000 đồng).

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.