Tăng tốc dọn tổ đón đại bàng

29/04/2024 04:20 GMT+7

Chưa bao giờ cơ hội về ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam lại "nóng" như hiện nay. Bên cạnh niềm hứng khởi, sự kỳ vọng cũng như xây dựng các kịch bản đón "đại bàng" thì một điều kiện không thể thiếu để biến khát vọng thành hiện thực là "xây tổ" sẵn sàng.

"Xây tổ đón đại bàng" là khái niệm đưa ra nhiều năm trước, về việc chuẩn bị hạ tầng, nhân lực, chính sách, môi trường... để thu hút các "ông lớn" công nghệ đến Việt Nam. Câu nói này cũng được nhắc lại trong khát vọng trở thành mắt xích trong chuỗi cung ứng của ngành công nghiệp bán dẫn, khi thế giới đang đổ dồn sự chú ý tới lợi thế đất hiếm của chúng ta hiện nay. Thế nhưng có vẻ như chúng ta vẫn luôn tập trung vào đón "đại bàng" hơn là "xây tổ". Chẳng hạn như vấn đề nhân lực, được đánh giá là quan trọng bậc nhất để thu hút các "đại bàng" đầu tư vào Việt Nam thì phải đến tận lúc này mới rục rịch, thay vì đã sẵn sàng. Nên nhớ, Intel đã đầu tư vào ngành này ở Việt Nam cách đây cả 2 thập niên. Chúng ta cũng thu hút được rất nhiều đại gia công nghệ của thế giới nhưng nhân lực chất lượng cao vẫn là nút thắt mỗi khi nhắc tới lĩnh vực này. Tương tự, lợi thế đất hiếm được phát hiện từ hơn một thập niên trước nhưng chưa được khai thác đúng tiềm năng. Thậm chí chỉ đến khi Cục Khảo sát địa chất Mỹ công bố Việt Nam có 22 triệu tấn đất hiếm, đứng thứ hai thế giới, sau Trung Quốc (44 triệu tấn) vào hơn 2 năm trước, nhiều người mới biết là chúng ta đang có "mỏ vàng" trong tay. Trả lời báo chí lúc đó, lãnh đạo Cục Địa chất và Khoáng sản thừa nhận nuối tiếc và "càng nuối tiếc hơn khi trữ lượng đất hiếm ở nước ta thuộc nhóm lớn nhất thế giới mà những lợi ích từ đó mang lại gần như là con số 0".

Nhắc lại một vài chuyện để thấy chúng ta phải tăng tốc "dọn tổ" để đón các "đại bàng" thế giới, để biến những chuyến thăm liên tục trong thời gian qua của các tỉ phú công nghệ thành quyết sách đầu tư. Tăng tốc đầu tiên là đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045. Đây là yếu tố quan trọng để sớm đạt mục tiêu đến năm 2030, kỹ sư Việt Nam có khả năng tham gia sâu vào quy trình thiết kế vi mạch bán dẫn hiện đại. Tương tự là cơ chế, chính sách để thu hút đầu tư vào khai thác đất hiếm. Chúng ta có trữ lượng, có tài nguyên nhưng chưa có công nghệ khai thác, chế biến, tách chiết nên phải có chiến lược để chọn những nhà đầu tư chất lượng nhất, để sau khi hợp tác, Việt Nam phải là một mắt xích trong chuỗi giá trị của ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu. "Dọn tổ" cũng bao hàm sự sẵn sàng về mặt bằng, giao thông kết nối, điện, môi trường...

Thế giới cần đất hiếm và chúng ta có nhưng cũng có một thực tế là cạnh tranh thu hút FDI nói riêng và ngành công nghiệp bán dẫn nói chung hiện nay vô cùng khốc liệt. Với quy mô dự đoán lên đến hàng ngàn tỉ USD, các nước đang chạy đua thu hút các "đại bàng" đến làm tổ nơi mình. Vì thế nếu chậm trễ thì "mất lượt như chơi", chứ không phải cứ sở hữu tài nguyên là nắm chắc phần thắng.

Chính phủ quyết tâm cao trong việc theo đuổi, phát triển ngành công nghiệp bán dẫn. Việt Nam cũng đã và đang thu hút ngày càng nhiều tập đoàn lớn trong ngành này. Nhưng từ lợi thế đến hiện thực xa hay gần, phụ thuộc rất lớn vào việc "dọn tổ" để đón "đại bàng" của chúng ta.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.