Tổng Bí thư Trần Phú - chiến sĩ cộng sản kiên trung

Phạm Đức
Phạm Đức
16/04/2024 18:38 GMT+7

Nhân kỷ niệm 120 năm ngày sinh Tổng Bí thư Trần Phú (1.5.1904 - 1.5.2024), chiều 16.4, tại Hà Tĩnh đã diễn ra Hội thảo khoa học với chủ đề: "Tổng Bí thư Trần Phú - Chiến sĩ cộng sản kiên trung, bất khuất, người con ưu tú của dân tộc Việt Nam".

Hội thảo do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo T.Ư và Tỉnh ủy Hà Tĩnh phối hợp tổ chức.

Tổng Bí thư Trần Phú - chiến sĩ cộng sản kiên trung - Ảnh 1.

Toàn cảnh Hội thảo khoa học về Tổng Bí thư Trần Phú

PHẠM ĐỨC

Phát biểu khai mạc hội thảo, GS-TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận T.Ư nhấn mạnh, đây là hoạt động thiết thực nhằm ôn lại cuộc đời hoạt động cách mạng cao đẹp, vẻ vang của Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng - Trần Phú, người con ưu tú của dân tộc Việt Nam và quê hương Hà Tĩnh; người đã phấn đấu, hy sinh trọn đời cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.

Đây cũng là dịp để bày tỏ sự tri ân sâu sắc của các thế hệ hôm nay đối với những cống hiến của Tổng Bí thư Trần Phú cho thắng lợi của sự nghiệp cách mạng, góp phần giáo dục truyền thống, lý tưởng cách mạng cho các cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ.

GS-TS Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu khai mạc hội thảo

GS-TS Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu khai mạc hội thảo

PHẠM ĐỨC

Ban Tổ chức hội thảo đã nhận được hơn 50 bản báo cáo, tham luận của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các cơ quan ban, ngành T.Ư, địa phương, của tỉnh Hà Tĩnh và các nhà khoa học.

Tại hội thảo, các đại biểu và nhà khoa học đã tập trung làm sáng tỏ những nội dung chủ yếu như: Trần Phú từ người thanh niên yêu nước trở thành người cộng sản, cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc; Trần Phú - Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng; Trần Phú - Người cộng sản kiên trung, bất khuất; Trần Phú - Người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người con ưu tú của dân tộc Việt Nam và quê hương Hà Tĩnh; Phát huy chí khí cách mạng của Tổng Bí thư Trần Phú trong giai đoạn cách mạng hiện nay.

Trước đó, vào sáng cùng ngày, GS-TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận T.Ư cùng đoàn công tác đã đến dâng hoa, dâng hương tại Khu di tích Tổng Bí thư Trần Phú (ở xã Tùng Ảnh, H.Đức Thọ, Hà Tĩnh).

Quá trình hoạt động cách mạng của Tổng Bí thư Trần Phú

Tổng Bí thư Trần Phú sinh ngày 1.5.1904 tại thôn An Thổ, xã An Dân, H.Tuy An (Phú Yên); nguyên quán xã Tùng Ảnh, H.Đức Thọ, Hà Tĩnh. Thân phụ và thân mẫu là ông Trần Văn Phổ và bà Hoàng Thị Cát.

Giữa năm 1925, ông gia nhập Hội Phục Việt (sau đổi tên thành Hội Hưng Nam và Tân Việt Cách mạng Đảng), tổ chức của những trí thức yêu nước. Tháng 9.1925, sang Lào để vận động cách mạng.

Tháng 6.1926, Hội Phục Việt cử Trần Phú và một số hội viên sang Quảng Châu (Trung Quốc), tham gia lớp huấn luyện chính trị khóa 2 do Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trực tiếp giảng dạy và được kết nạp vào Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên. Kết thúc khóa học, tháng 10.1926, ông được kết nạp vào Thanh niên Cộng sản Đoàn, được Tổng bộ Thanh niên phân công về Trung Kỳ xây dựng và phát triển cơ sở Hội.

Đầu tháng 11.1929, sau khi tốt nghiệp Đại học Phương Đông, ông nhận chỉ thị của Quốc tế Cộng sản, bí mật lên tàu đi Lêningrát (nay là Xanh Pêtécbua) bắt đầu hành trình về nước hoạt động.

Tháng 10.1930, tại Hương Cảng (Trung Quốc), Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành T.Ư Đảng đã thảo luận và nhất trí thông qua Luận cương chính trị do ông dự thảo.

Hội nghị đã quyết định đổi tên Đảng Cộng sản Việt Nam thành Đảng Cộng sản Đông Dương. Tại Hội nghị này, Trần Phú được bầu làm Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng.

Trên cương vị Tổng Bí thư của Đảng, ông đã trực tiếp chủ trì Hội nghị Thường vụ T.Ư Đảng tháng 12.1930, Hội nghị Thường vụ T.Ư Đảng tháng 1.1931 và Hội nghị Ban Chấp hành T.Ư Đảng lần thứ hai tại Sài Gòn tháng 3.1931. Dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Trần Phú, các quyết nghị của T.Ư giai đoạn này đã góp phần đưa phong trào cách mạng Đông Dương phát triển lên tầm cao mới.

Ngày 18.4.1931, Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng bị địch bắt tại số nhà 66, đường Sămpanhơ (nay là đường Lý Chính Thắng, TP.HCM) và đưa về giam giữ ở Khám Lớn Sài Gòn. Trước những đòn tra tấn dã man và chế độ hà khắc của nhà tù đế quốc, ngày 6.9.1931, Tổng Bí thư Trần Phú đã trút hơi thở cuối cùng tại Nhà thương Chợ Quán, Sài Gòn.

Ngày 12.1.1999, Đảng và Nhà nước tổ chức trọng thể Lễ truy điệu cố Tổng Bí thư Trần Phú tại TP.HCM và di dời hài cốt của ông về an táng tại núi Quần Hội, xã Tùng Ảnh, H.Đức Thọ, Hà Tĩnh.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.