Mỹ học gì từ tác chiến điện tử của Nga ở Ukraine?

Mỹ học gì từ tác chiến điện tử của Nga ở Ukraine?

20/05/2024 09:41 GMT+7

Ukraine đã sử dụng các loại vũ khí chính xác của Mỹ, như tổ hợp pháo phản lực HIMARS hay bom dẫn đường JDAM, tuy nhiên hiệu quả đã giảm mạnh trước năng lực tác chiến điện tử sâu rộng của của Nga.

Trung tướng Antonio Aguto, người đứng đầu Nhóm Hỗ trợ An ninh-Ukraine, thừa nhận tác chiến điện tử là một thách thức lớn đối với một số "năng lực chính xác nhất" của Mỹ. Các quan chức Mỹ cũng đã xác định những vấn đề này và cho biết Mỹ và Ukraine đang nỗ lực tìm giải pháp.

Bất kỳ biện pháp nào giúp giải quyết thách thức do tác chiến điện tử đặt ra sẽ không chỉ mang lại lợi ích cho Ukraine, mà còn giúp Mỹ giải quyết các vấn đề gây lo ngại lâu nay khi Washington chuẩn bị cho khả năng xảy ra cuộc xung đột lớn.

Hiệu quả đạn chính xác giảm mạnh

Tác chiến điện tử có thể được thực hiện bằng công nghệ ít tốn kém nhưng hiệu quả. Cả Nga lẫn Ukraine đều đang sử dụng rộng rãi phương thức tác chiến này, không chỉ để ngăn chặn các loại đạn dẫn đường chính xác mà còn có thể phá hoại kết nối giữa người điều khiển và máy bay không người lái.

Những đạn chính xác của Mỹ cung cấp cho Ukraine, như đạn pháo Excalibur hay rốc két bắn bằng tổ hợp HIMARS, đang giảm chính xác đến mức đáng kinh ngạc do bị gây nhiễu.

Ông Thomas Withington, chuyên gia tại Viện Các quân chủng thống nhất Hoàng gia Anh (RUSI), giải thích: "Những loại vũ khí như Excalibur và JDAM... phụ thuộc vào GNSS (Hệ thống vệ tinh định vị toàn cầu) ở một mức độ nào đó được cho là mang lại mức độ chính xác cao".

Đạn pháo Excalibur của Mỹ

Đạn pháo Excalibur của Mỹ

Ông Daniel Patt, thành viên cấp cao tại Viện Hudson (Mỹ), trong bài trình bày trước Quốc hội Mỹ vào tháng 3 cho biết đạn pháo Excalibur 155 mm được dẫn đường bằng hệ thống định vị toàn cầu (GPS) "đạt hiệu quả bắn trúng mục tiêu tới 70% khi lần đầu tiên được sử dụng ở Ukraine". Tuy nhiên, "sau 6 tuần, hiệu quả giảm xuống chỉ còn 6% do Nga điều chỉnh hệ thống tác chiến điện tử của họ để chống lại loại đạn đó".

Ông Patt nói thêm rằng "hiệu quả cao nhất của hệ thống vũ khí mới duy trì được chỉ khoảng 2 tuần trước khi các biện pháp đối phó xuất hiện". Đó là thông tin có giá trị cho Mỹ khi nước này chuẩn bị cho các cuộc chiến trong tương lai.

Cơ hội cho Mỹ

Business Insider trước đó dẫn lời một chuyên gia quốc phòng cho rằng cuộc chiến ở Ukraine mang đến cho Mỹ cơ hội tìm hiểu cách thức hoạt động của các loại vũ khí chính xác của nước này trước các mối đe dọa hiện đại như tác chiến điện tử. Những gì Mỹ đang chứng kiến không còn là lý thuyết, mà là thực tế đối đầu với Nga trong một cuộc chiến thực sự.

Cựu đại tá thủy quân lục chiến Mỹ Mark Cancian, hiện là cố vấn cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS, Mỹ), cho hay Bộ Quốc phòng Mỹ đang nỗ lực khắc phục những mối đe dọa từ tác chiến điện tử bằng cách tập trung vào các lựa chọn như tạo ra các tín hiệu mạnh hơn, có khả năng vô hiệu hóa những nỗ lực gây nhiễu.

Cựu đại tá thủy quân lục chiến Mỹ Mark Cancian

Cựu đại tá thủy quân lục chiến Mỹ Mark Cancian

Nhưng ông Cancian cũng thừa luận rằng đối phương sẽ "luôn đưa ra các biện pháp đối phó làm giảm hiệu quả".

Tại một sự kiện truyền thông hồi đầu tháng 5, ông Doug Bush, người đứng đầu bộ phận mua sắm của Lục quân Mỹ, nói rằng không có gì đáng ngạc nhiên khi Nga có thể gây nhiễu vũ khí của Mỹ. Ông khẳng định đây là một phần trong "chu kỳ đổi mới liên tục" của cả hai bên, đồng thời cho hay Mỹ học được rằng "với bất kỳ loại vũ khí chính xác nào, cần có nhiều cách để dẫn nó tới mục tiêu".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.